DANH TƯỚNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG LÀ








Danh tướng Nguyễn Tri Phương

Danh tướng Nguyễn Tri Phương

Nguyễn Tri Phương là danh tướng nhà Nguyễn, sinh năm 1800, trong gia đình làm ruộng và thợ mộc, song thân là ông Nguyễn Văn Đảng và bà Nguyễn Thị Thể, quê làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

DANH TƯỚNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG LÀ

Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương. Ông là người tài trí, thông minh nên được sung vào bộ máy triều đình nhà Nguyễn. Năm 1850, vua Tự Đức cải tên ông là Nguyễn Tri Phương, lấy ý câu “Dõng thả tri phương” nghĩa là dũng mãnh và lắm mưu trí để khen tặng, sung chức Khâm sai đại thần Tổng thống quân vụ kiêm Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên,…. Năm 1853, ông được thăng chức Điện hàm Đông các đại học sĩ và lãnh chức kinh lược xứ Nam kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập nhiều đồn điền, khai hoang lập ấp ở các tỉnh Nam bộ.

Năm 1858, khi Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược nước ta, Tổng quân vụ đại thần Lê Đình Lý tử trận, Nguyễn Tri Phương đã nhận lãnh trách nhiệm chống giặc và đẩy lùi bước tiến của quân thù.

Tháng 02 năm 1859, thành Gia Định bị Pháp tiến đánh, vua Tự Đức phái Nguyễn Duy cùng với Tôn Thất Cáp và Phan Tịnh vào ứng cứu cho Nguyễn Tri Phương. Ông đã cùng với quân dân tổ chức đắp lũy đóng đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa) để phòng thủ thành Gia Định. Ngày 25 tháng 02 năm 1861, quân Pháp tấn công chiếm lấy đại đồn Chí Hòa. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và phải rút về lập đồn cản phá ở sông Đồng Nai - Biên Hòa. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp “cản” bằng đá ong để ngăn tàu địch. Hễ dưới sông có đá cản thì trên bờ có đồn lũy, đại bác trấn giữ đánh giặc.

Xứ Biên Hòa vinh dự đón Nguyễn Tri Phương vào tháng 2 năm 1861, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ. Đại bộ phận quân nhà Nguyễn rút về lập tuyến phòng thủ tại Biên Hòa. Trong khi công việc phòng thủ đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Tương truyền, người dân Biên Hoà thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa, khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho đến cùng. 

Năm 1862, sau khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, Nguyễn Tri Phương được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ và xem xét việc quân sự ở Bắc kỳ. Năm 1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, còn trai là Nguyễn Lâm tử trận. Vị tướng già trong cơn nước nhà nguy khốn, dù sức cùng lực kiệt đã khẳng khái từ chối sự cứu chữa của kẻ thù, tuyệt thực suốt gần một tháng và mất ngày 20 tháng 12 năm 1873 (tức ngày 01 tháng 11 âm lịch) thọ 73 tuổi.

Khi nghe Nguyễn Tri Phương hy sinh tại Hà Nội, ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng có công với xứ sở, người dân Biên Hoà đã tạc tượng và thờ ông tại đình Mỹ Khánh. Sau này, đình Mỹ Khánh còn có tên là đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Theo http://dongnai.vncgarden.com







Tags: nguyễn tri, thờ nguyễn, nguyễn, phương, tướng