6 ĐIỀU LỆ HỘI THI KỂ CHUYỆN VỀ NHỮNG








6


ĐIỀU LỆ

Hội thi kể chuyện về những điển hình tiên tiến

học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 02-QĐ/BTCHT ngày 09 tháng 6 năm 2014

của Ban tổ chức hội thi)


CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Yêu cầu chung

1. Hội thi kể chuyện về những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn là một diễn đàn sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhằm phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt việc tốt, khơi dậy tính hướng thiện của mỗi cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong học tập và làm theo Bác. Gắn việc tổ chức thi kể chuyện làm theo Bác với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), góp phần thiết thực thúc đẩy không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội.

2. Tổ chức và hoạt động của Hội thi kể chuyện về những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Kạn tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Điều 2. Đối tượng dự thi

- Đối tượng dự thi là những cá nhân xuất sắc đạt giải trong hội thi kể chuyện tấm gương học tập và làm theo Bác tại các huyện ủy, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc.

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh:

Điều lệ này áp dụng cho hội thi cấp tỉnh.

CHƯƠNG II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI, CÁCH TÍNH ĐIỂM THI

Điều 4. Nội dung, hình thức thi

1. Nội dung hội thi theo chủ đề: Học tập và làm theo Bác về suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, gồm 3 phần thi:

- Kể 01 câu chuyện về một tấm gương cá nhân điển hình tiên tiến; thời gian kể chuyện tối đa 15 phút;

- Trả lời 01 câu hỏi bắt buộc: tối đa 3 phút, không kể thời gian đọc câu hỏi.

- Trả lời 01 câu hỏi mở: tối đa 2 phút, không kể thời gian thí sinh nhận câu hỏi và chuẩn bị câu hỏi (nếu có).

2. Hình thức thi: hội thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa; mỗi thí sinh được mời lên sân khấu dự thi 01 lần, thực hiện theo trình tự gồm 03 phần thi trên.

Sau phần thi của một số thí sinh, Ban tổ chức hội thi bố trí xen kẽ câu hỏi dành cho khán giả hoặc các tiết mục văn nghệ về chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Điều 5. Điểm thi

Tổng số điểm chấm các phần thi là 100 điểm, trong đó:

1. Phần thi kể chuyện là 50 điểm:

+ Đúng, đủ nội dung, sát với đề cương, đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: 30 điểm.

+ Hấp dẫn, tự tin, diễn cảm, dễ hiểu, lưu loát: 15 điểm.

+ Cảm nhận của bản thân, liên hệ thực tiễn: 5 điểm.

(Kể chuyện quá thời gian quy định, mỗi phút trừ 2 điểm).

2. Phần trả lời câu hỏi bắt buộc là 20 điểm:

+ Đúng, đủ nội dung, sát với đề cương: 15 điểm.

+ Tự tin, dễ hiểu, lưu loát, thuyết phục: 5 điểm.

(Trả lời quá thời gian quy định, mỗi phút trừ 2 điểm; thí sinh bốc thăm lại câu hỏi lần 2, trừ 2 điểm; không được bốc thăm lần thứ 3).

3. Phần trả lời câu hỏi mở là 10 điểm:

+ Trả lời phù hợp, có liên hệ thực tiễn: 5 điểm.

+ Tự tin, dễ hiểu, lưu loát, thuyết phục: 5 điểm.

(Trả lời quá thời gian quy định, mỗi phút trừ 1 điểm; thí sinh không được chọn câu hỏi lần thứ 2).

4. Phần chấm đề cương câu chuyện là 20 điểm:

+ Đúng chủ đề, đủ nội dung, đảm bảo yêu cầu: 10 điểm.

+ Bố cục nội dung chuyện khoa học, hệ thống: 5 điểm.

+ Trình bày rõ ràng, sạch, đẹp, đúng quy định: 5 điểm.

Điều 6. Phương pháp chấm điểm, quy định trong chấm điểm

- Các thành viên Ban giám khảo chấm điểm độc lập, trực tiếp cho điểm thi của thí sinh vào phiếu điểm theo từng nội dung thi, ký, ghi rõ họ, tên và chuyển cho Tổ thư ký để tổng hợp.

- Điểm chênh lệch của mỗi thành viên Ban giám khảo không quá 10 điểm đối với phần thi kể chuyện, không quá 5 điểm đối với phần thi trả lời câu hỏi bắt buộc, không quá 5 điểm đối với phần thi trả lời câu hỏi mở và không quá 5 điểm đối với phần chấm đề cương, so với điểm bình quân của các giám khảo; nếu chênh lệch quá số điểm như trên thì đưa ra Ban giám khảo xem xét thống nhất.

- Điểm thi được chấm đến điểm nhỏ nhất là 0,5 điểm.

Điều 7. Quy định xếp giải thưởng và lựa chọn công diễn

- Ban Giám khảo căn cứ tổng điểm để xếp giải thưởng tính từ điểm cao trở xuống đến hết số giải thưởng do Ban tổ chức đã quy định. Nếu số điểm bằng nhau thì xét ưu tiên thí sinh có điểm cao hơn ở từng phần theo thứ tự: Điểm kể chuyện, trả lời câu hỏi bắt buộc, đề cương và câu hỏi mở; trường hợp các phần điểm trên đều bằng nhau thì Ban giám khảo hội ý thống nhất và báo cáo Trưởng Ban tổ chức hội thi xem xét, quyết định.

- Ban tổ chức hội thi lựa chọn một số thí sinh kể chuyện đạt giải cao để công diễn.

CHƯƠNG III

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 8. Khen thưởng

- Trao quà lưu niệm cho các thí sinh.

- Cấp giấy chứng nhận, thưởng bằng tiền mặt đối với thí sinh đạt các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích:

+ 01 giải nhất: 4.000.000 đồng.

+ 02 giải nhì, mỗi giải 3.500.000 đồng.

+ 03 giải ba, mỗi giải 2.000.000 đồng

+ 06 giải khuyến khích, mỗi giải 1.000.000 đồng.

- Trao một số giải thưởng, phần thưởng khác:

+ 01 giải kể chuyện truyền cảm, hấp dẫn: 500.000 đồng.

+ 01 giải thí sinh cao tuổi nhất: 500.000 đồng.

+ 01 giải thí sinh ít tuổi nhất: 500.000 đồng.

+ 10 phần thưởng cho khán giả, mỗi phần trị giá 50.000 đồng.

+ Phần thưởng của một số ngành trong tỉnh (nếu có).

Điều 9. Kỷ luật

- Các tập thể, cá nhân vi phạm những quy định của Điều lệ hội thi sẽ bị Ban tổ chức hội thi nhắc nhở, phê bình hoặc xoá bỏ thành tích, giải thưởng đạt được và thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Mọi phản ánh khiếu nại, đề nghị của các đoàn phải thông qua Trưởng đoàn và được phản ánh với Ban tổ chức hội thi bằng văn bản. Trong quá trình chờ Ban tổ chức hội thi giải quyết, nhất thiết vẫn phải tuân thủ theo Điều lệ hội thi.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký và người Dẫn chương trình hội thi

- Ban tổ chức hội thi: Triển khai thực hiện tốt kế hoạch; ban hành các văn bản liên quan đến hội thi; đảm bảo các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất; điều hành, xử lý, giải quyết tốt mọi vấn đề diễn ra trước, trong và sau hội thi.

- Ban giám khảo hội thi: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Ban tổ chức phân công; xây dựng hệ thống câu hỏi, đề cương và gợi ý trả lời (câu hỏi bắt buộc và câu hỏi mở); chấm điểm trung thực, chính xác, công bằng, khách quan kết quả thi của các thí sinh; độc lập đánh giá, chấm điểm cho thí sinh.

- Tổ thư ký hội thi: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Ban tổ chức, Ban giám khảo phân công; có trách nhiệm đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật trong công việc; giúp Ban giám khảo theo dõi cụ thể thời gian các phần thi của thí sinh; tổng hợp diễn biến hội thi và một số văn bản liên quan.

- Người Dẫn chương trình hội thi: Thực hiện theo đúng nội dung, kịch bản chương trình do Ban tổ chức hội thi đề ra.

Điều 11. Đối với thí sinh dự thi

- Phải thực hiện nghiêm túc Điều lệ và các quy định của Ban tổ chức.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để dự thi, tập trung đúng thời gian quy định và tham gia đầy đủ các nội dung thi, có mặt đầy đủ để cổ vũ hội thi và công diễn.

- Không được sử dụng đề cương câu chuyện kể và đề cương trả lời câu hỏi trong khi thi;

- Trang phục gọn gàng, lịch sự, khuyến khích các thí sinh mặc trang phục dân tộc và ngành nghề.

- Thí sinh dự thi kể chuyện theo đề cương đã chuẩn bị, có thể sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin như: máy tính, máy chiếu… đầu đĩa để phát băng đĩa, hình ảnh minh họa về đối tượng được kể (thí sinh không được đưa chữ hoặc lời chuyện kể vào nội dung băng đĩa, hình ảnh minh họa…); chuyện kể có gắn với cảm xúc cá nhân để thêm phong phú, hấp dẫn và sinh động.

- Trả lời câu hỏi bắt buộc (với hình thức bốc thăm): Người dẫn chương trình đọc câu hỏi và thí sinh trả lời trước Ban giám khảo; thí sinh được phép hỏi lại câu hỏi khi chưa rõ nội dung.

- Trả lời câu hỏi mở: Mỗi thí sinh trả lời 01 câu hỏi, theo trình tự sau: Thí sinh bốc thăm chọn giám khảo; giám khảo được chọn nêu câu hỏi; thí sinh trả lời xong, các thành viên Ban giám khảo chấm điểm; thí sinh được phép hỏi lại câu hỏi khi chưa rõ nội dung.

Điều 12. Các đảng bộ trực thuộc

- Có trách nhiệm cử đủ số lượng theo kế hoạch và lập danh sách thí sinh tham gia hội thi theo mẫu gửi kèm về Ban tổ chức hội thi cấp tỉnh (qua Bộ phận chuyên trách CT 03-Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) trước khi tổ chức hội thi 20 ngày.

- Thành lập Đoàn tham gia hội thi; bố trí kinh phí, phương tiện đi lại và vật chất khác cho thí sinh trong suốt quá trình tham gia hội thi; chuẩn bị 2 tiết mục văn nghệ để giao lưu tại hội thi.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Các đảng bộ trực thuộc, các thí sinh tham gia hội thi, Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký, người Dẫn chương trình có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định trên đây của Điều lệ hội thi, bảo đảm hội thi đạt kết quả cao.

2. Điều lệ này có giá trị thực hiện trong thời gian diễn ra Hội thi kể chuyện về những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh các cấp, tỉnh Bắc Kạn.



BAN TỔ CHỨC HỘI THI



















Tags: chuyện về, kể chuyện, chuyện, những